Ở vùng rừng núi Tây Bắc có nhiều món đặc sản bắt nguồn từ các dân tộc thiểu số sinh sống ở đâu, có nhiều món rất ngon như cơm lam, sôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp, rau sắng,…Trong đó các món ăn từ rêu đá chính là một đặc sản hiếm có vừa lạ vừa ngon, cùng đi tìm hiểu về đặc sản lạ lung này nhé.
Rêu đá – đặc sản vùng cao Tây Bắc.
Rêu đá là món ăn quen thuộc bao đời nay của người Mường, người Thái vùng núi Tây Bắc, có cô gái Mường nào, cô gái Thái nào chưa đi hái rêu đá về nấu cho gia đình ăn một lần thì chưa thành con gái lớn. Không phải rêu đá nào cũng ăn được, chúng ta bắt gặp rêu mọc đầy khắp các con suối, con sông mà đâu có ai hái để ăn.
Rêu đá ăn được thường bám vào gờ đá nơi lòng suối, chỉ những con suối đầu nguồn, nước trong và lạnhthì rêu đá mọc ở đấy mới ăn được. Rêu đá mọc theo mùa từ đầu đông đến hết tháng 5, vì nước suối rất lạnh nên thường vào đầu xuân thì người ta mới rủ nhau đi lấy rêu đá về ăn. Lựa lấy phần rêu non xanh mới mọc có màu sáng hơn để ăn cho mềm, không lấy phần rêu già màu xanh sẫm.
Rêu mọc tự nhiên trên các ghềnh đá, bà con dân tộc lấy gùi, lấy “ớp” đeo vào hông ra suối vớt rêu. Người Mường gọi rêu đá là “cấng”, rêu đá được chế biến theo nhiều kiểu như nướng, xào, nấu hay hầm canh đều rất ngon.
Các món ăn từ rêu đá.
Để chế biến rêu thành món ăn cần phải thực hiện khâu sơ chế rêu đá trước đã. Bà con cùng cao khi lấy rêu về thường mang ra bờ suối ngồi đập rêu, lấy một cái chày gỗ, rải rêu lên tảng đá to vừa đập bùm bụp vừa rửa rêu. Cách làm trên là để cát sỏi đá và những thứ bẩn trong rêu rơi ra hết, đập càng kỹ thì rêu càng mềm, khi chế biến càng ngon.
Sau khi đập rêu xong ở bờ suối thì mang về nhà rửa lại bằng nước sạch trong chậu rồi mang đi chế biến. Cắt rêu nhỏ ra rồi xào hay nấu canh tỳ thích.
Món canh rêu đá được thả vào nước luộc gà hay nước canh hầm xương, ninh tầm 30 phút rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn thì bắc ra. Canh rêu nóng ăn trong thời tiết lạnh rất ấm bụng và bổ dưỡng, món canh cho người ốm ăn rất tốt, nhanh hồi phục sức khoẻ.
Nếu xào rêu thì đập thêm chút tỏi rồi xào như rau bình thường, chú ý cho thêm chút nước trong quá trình xào thì rêu xẽ xanh và mềm, không bị cháy.
Người Thái còn có món rêu nộm, rêu sau khi rửa sạch thì cho vào chõ gỗ đồ chín, khi rêu chín thì cho gia vị mắm muối, mì chính vào trộn, giã thêm ít ớt tươi và hạt tiêu rừng cho món nôm thêm cay và thơm.
Rêu nướng là một món rất được ưa chuộng của người Thái người Mường, họ bỏ rêu đã ướp qua vơi gia vị, gói vào lá chuối xanh hay lá dong rồi đem vùi trong gio nóng nướng. Ngoài ra họ cũng có thể thái thêm lá đu đủ xanh vào rêu đá rồi nêm gia vị, gói lại trong lá chuối hoặc đúc trong ống nứa bánh tẻ rồi nướng. Không nên nướng trên lửa to, cần nướng chậm dần bằng cách vùi trong gi nóng thì rêu chín nhừ và đều.
Rêu nướng có vị rất đậm đà, ngọt đậm lại thanh thanh, ăn rêu đá nướng với cơm xôi hay cơm lam rất ngon. Theo kinh nghiệm của người già truyền lại cho con cháu người Mường thì rêu nướng có tác dụng thông khí huyết, hạ nhiệt và giảm các triệu chứng của các bệnh mãn tính như xoang, hen,…
Nếu có dịp đến với vùng Tây Bắc đúng mùa có rêu đá thì đừng quên thưởng thức món đặc sẳn lạ lung có một không hai của vùng này. Rêu đá chính là một nét đẹp ẩm thực trong văn hoá phong tục của dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.